Trong số 301 ngôn ngữ được sử dụng tại Úc, sau tiếng Anh, tiếng Quan thoại phổ biến thứ nhì, tiếng Ả rập thứ ba, tiếng Việt và tiếng Quảng đông đồng hạng tư.
Điều đầu tiên ghi nhận từ kết quả cuộc Điều tra Dân số 2016, đó là dân số nước Úc đã vượt qua con số 24.4 triệu người.
2/3 số người Úc đang sống ở các thành phố chính trong đó Sydney vẫn là thành phố đông đúng nhất tại Úc.
Tuy nhiên, Melbourne hiện đang bám rất sát Sydney với đà tăng dân số thậm chí còn nhanh hơn Sydney.
Ông David Kalisch từ Sở Thống kê Úc (ABS) cho hay làn sóng nhập cư đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển đất nước.
“Điều tra dân số cho thấy nước Úc đa dạng văn hóa hơn bao giờ hết khi mà gần một nửa số người Úc chào đời ở ngoại quốc hoặc có ít nhất là cha hoặc mẹ sinh ra ở ngoại quốc,” ông Kalisch nói.
Bản đồ các quốc gia có người di dân tới Úc
Lần đầu tiên, đa số người dân Úc hiện nay chào đời ở Á châu chứ không phải là Âu châu như trước đây, phần lớn xuất phát từ làn sóng di dân đến từ Ấn Độ và Trung Quốc.
Số di dân mới tính từ đợt kiểm tra dân số đợt trước năm 2011 đến đợt này 2016 là 1.3 triệu người, đông nhất là di dân Trung quốc 191,000 và Ấn độ 163,000.
Tuy nhiên, bức tranh dân số Úc không thể thiếu người Thổ dân bản địa, kết quả điều tra dân số cho thấy số người Úc gốc Thổ dân tăng lên 18% trong vòng 5 năm qua.
Tiếng Việt phổ biến thứ 4 tại Úc
Đáng chú ý về mặt ngôn ngữ, trong số 301 thứ tiếng đang được sử dụng trên toàn quốc, tiếng Anh được dùng thông dụng nhất, kế đó là tiếng Quan thoại thứ nhì, tiếng Ả rập thứ ba, Tiếng Việt và tiếng Quảng đông đồng hạng tư.
Theo số liệu của Census 2016, tổng số người Việt sinh sống tại Úc là trên 277 ngàn người, trong đó, tập trung đông nhất ở tiểu bang Victoria với trên 103 ngàn người, kế đến là tại NSW với khoảng gần 103 ngàn.
Người Úc giờ đây cũng sống thọ hơn khi mà trong 6 người Úc thì có 1 người hiện trên 65 tuổi.
Nước Úc ngày càng “vô thần”?
Nước Úc ngày nay cũng bớt hướng về tôn giáo hơn khi mà số người vô thần nay đã vượt qua tín đồ Công giáo.
Nếu so với thập niên 60 thì đây là sự thay đổi hoàn toàn bởi lúc đó có đến 88% người Úc theo Công giáo.
Tuy nhiên, theo chủ tịch Hiệp hội Vô thần Úc, Kylie Sturgess thì chính việc ABS để lựa chọn không theo tôn giáo nào ‘No Religion’ lên đầu danh sách lựa chọn trong câu hỏi về tôn giáo, cùng với chiến dịch thông tin của Hiệp hội Vô thần Úc, là lý do khiến tỷ lệ người không theo tôn giáo tăng đáng kể theo kết quả điều tra dân số 2016.
“Chiến dịch trả lời không theo tôn giáo nào trong Census đã khuyến khích mọi người tham gia vào điều tra dân số.”
“Nếu anh là một tín đồ Hồi giáo, anh có thể điền thông tin ngay vào đó, nếu là người Công giáo, không thành vấn đề.”
“Thế nhưng, nếu anh cảm thấy mình chưa rõ ràng theo tôn giáo nào, hoặc không còn được công nhận là thuộc tôn giáo nào đó thì có để trả lời cho một câu hỏi không bắt buộc, phương án ‘no religion’ chính là lựa chọn của anh rồi,” bà Sturgess nói.
Hồi giáo chỉ đứng sau Công giáo tại Úc
Về sự phổ biến của các tôn giáo thì đạo Công giáo vẫn đứng đầu danh sách và tiếp tục tăng số tín đồ.
Tuy nhiên, Hồi giáo tại Úc xếp ngay thứ nhì với tỷ lệ phát triển từ 2.1 lên đến 2.6% trong vòng 10 năm qua.
Số tín đồ Phật giáo cũng tăng từ 2.1 lên 2.4%. Đạo Hindu từ 0.7 lên 1.9%.
Chiến thắng của Census 2016
Kết quả cuộc Điều tra Dân số 2016 cũng được coi là thành công khi thu hút đến trên 95% hộ gia đình Úc tham gia điền thông tin, cho dù có mối lo ngại về quyền riêng tư cũng như là vụ sập hệ thống điền thông tin trực tuyến của ABS trong hơn 40 giờ đồng hồ.
Nha Thống kê Úc đã thành lập một ủy ban độc lập đánh giá dữ liệu điều tra dân số để bảo đảm sự chính xác của các thông tin này.
Chủ tịch Ủy ban độc lập của Census 2016, bà Sandra Harding khẳng định dự liệu điều tra dân số thật sự đáng tin cậy.
Tuy nhiên bà cũng cho biết, mối quan ngại về quyền riêng tư cũng ít nhiều ảnh hưởng đến Census 2016 khi chỉ có một số ít người đồng ý cho phép lưu trữ lại thông tin cá nhân họ đã cung cấp.
“Chúng tôi thấy có sự sụt giảm khá đáng kể. Trong các cuộc điều tra dân số trước đây, số người cho phép lưu trữ lại thông tin đã cung cấp trong vòng 99 năm có xu hướng tăng lên.”
“Thế nhưng, lần này thì lại giảm xuống khá nhiều. Vì vậy tôi nghĩ có sự ảnh hưởng ở đây và ABS sẽ lưu ý đến vấn đề này,” bà Harding nói.
Trong khi đó, số người khai chính xác độ tuổi và ngày sinh cũng tăng lên, trong khi chỉ có một số ít người khai tên giả hoặc không hợp lệ.
Một thành công khác theo ABS là có đến 2/3 số người tham gia điều tra dân số đã cung cấp thông tin qua trang mạng thay vì qua các mẫu đơn bằng giấy.
— Theo SBS —